Viêm ruột thừa là bệnh lý cấp cứu thường gặp ở trẻ em. Nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bài viết sau sẽ tổng hợp những thông tin cần biết về viêm ruột thừa giúp quý phụ huynh có thể phát hiện sớm, can thiệp kịp thời cho trẻ.
1. Viêm ruột thừa là gì?
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng (90% ruột thừa nằm ở hố chậu phải), có một đầu bịt kín, một đầu thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Nếu vì một nguyên nhân nào đó làm cho lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (do sỏi phân, do phì đại quá mức tổ chức bạch huyết ở thành ruột thừa, dị vật…) sẽ khiến cho ruột thừa sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành ruột thừa viêm.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi:
- Thường gặp từ 11-12 tuổi
- Ít xảy ra < 5 tuổi (5%)
- Hiếm khi xảy ra < 1 tuổi
- Nam > nữ (nam: 9%, nữ: 7%)
2. Triệu chứng viêm ruột thừa trẻ em
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là hố chậu phải). Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau.
Trẻ bị viêm ruột thừa thường có môi khô, lưỡi dơ biểu hiện tình trạng nhiễm trùng. Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, giao động 38-38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa do những nguyên nhân khác.
3. Biến chứng của viêm ruột thừa
Nếu chủ quan không đưa bé đi khám, đặc biệt với trường hợp cấp tính có khả năng dẫn đến các biến chứng:
- Vỡ ruột thừa: Nguy cơ gây ra áp xe quanh ruột thừa hoặc nặng hơn là viêm phúc mạc lan tỏa.
- Tắc ruột: Biến chứng này thường ít gặp hơn, xuất hiện khi hiện tượng viêm xung quanh ruột thừa khiến cho hệ cơ tại thành ruột ngưng hoạt động, ngăn cản không cho các cơ quan bên trong lòng ruột được đẩy đi.
- Nhiễm khuẩn huyết: Là hiện tượng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn tại ruột thừa di chuyển vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Đây được xem là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.
4. Chẩn đoán viêm ruột thừa ở trẻ như thế nào?
Khi phát hiện trẻ có các biểu hiện nghi ngờ viêm ruột thừa nêu trên, ba mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Tại đây, trước hết bác sĩ sẽ hỏi một số câu hỏi như bé đau bụng như thế nào, triệu chứng đi kèm…
Sau đó tiến hành khám lâm sàng: việc thăm khám bụng đóng vai trò quan trọng giúp chẩn đoán bệnh và chỉ định phẫu thuật. Trong nhiều trường hợp, việc thăm khám cần phải được thực hiện nhiều lần.
Tùy theo trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu, siêu âm ruột thừa để góp phần chẩn đoán cũng như loại trừ những nguyên nhân khác. Chụp CT bụng đôi khi được chỉ định trong những tình huống khó chẩn đoán, nhất là khi có nhiều bệnh phối hợp.
5. Điều trị viêm ruột thừa như thế nào?
Trước mổ
Viêm ruột thừa chưa có biến chứng: dừng kháng sinh phổ rộng ngay khi có chẩn đoán
Viêm ruột thừa đã có biến chứng: kháng sinh phổ rộng đường toàn thân cho cả Gram (-) và yếm khí (thường là phối hợp kháng sinh)
Phẫu thuật
Có 2 phương pháp chính là mổ mở và nội soi. Hiện nay phẫu thuật nội soi cắt viêm ruột thừa được ưa chuộng hơn nhờ các ưu điểm: ít đau, thẩm mỹ, thời gian phục hồi nhanh.
Trước đây phương pháp phổ biến là phẫu thuật nội soi 3 lỗ. Sau mổ bệnh nhân chỉ có 1 đến 3 vết sẹo nội soi nhỏ từ 0,5 – 1cm.
Tuy nhiên hiện tại Khoa Ngoại nhi bệnh viện Xanh Pôn triển khai mổ nội soi 1 lỗ điều trị viêm ruột thừa, đây là kỹ thuật tiên tiến nhất hiện này với nhiều ưu điểm hơn nội soi thông thường (3 lỗ): bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, đau ít hơn, nhanh hồi phục, thời gian nằm viện ngắn, giảm tối thiểu nguy cơ và biến chứng sau mổ và tính thẩm mỹ tuyệt vời (không để lại sẹo sau mổ).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Sơn hiện là 1 trong 2 bác sĩ đi đầu thế giới về thực hiện phẫu thuật nội soi 1 lỗ điều trị các bệnh lý về tiêu hóa hay gặp ở trẻ em như viêm ruột thừa, teo đường mật…
6. Chăm sóc sau mổ viêm ruột thừa
- Ba mẹ cố gắng cho cho trẻ tập vận động để tránh biến chứng dính ruột, và ruột sớm hoạt động trở lại
- Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh điều trị tiếp tục ít nhất 5-7 ngày sau mổ và khi lâm sàng ổn định trong viêm ruột thừa có biến chứng.
- Trẻ có thể ăn uống lại sau 6 giờ đối với viêm ruột thừa chưa có biến chứng.
- Trường hợp trẻ bị viêm phúc mạc toàn thể ăn uống lại sau khi ruột hoạt động trở lại.
- Trường hợp trẻ có dẫn lưu ổ bụng thường được rút sớm sau 48 giờ và thường không lưu quá 5 ngày
- Tái khám sau 1 tuần hoặc trường hợp trẻ đau bụng, bụng chướng, nôn ói thì, sốt cao… phải nhập viện ngay.
*Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng viêm ruột thừa cũng như cách điều trị.
Để được tư vấn, đặt lịch khám, phẫu thuật điều trị viêm ruột thừa với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn vui lòng liên hệ: 0333 670 888 hoặc 0974 184 568.