Chăm sóc sau phẫu thuật

Chăm sóc sau phẫu thuật đóng vai trò quan trọng quyết định quá trình phục hồi sức khỏe của trẻ sau điều trị. Nhìn chung người nhà cần tuân thủ nghiêm túc những dặn dò của bác sĩ. Sau đây là một số điều cần chú ý trong giai đoạn này. 

 

1. Theo dõi sau khi trẻ thoát mê

Khi trẻ được chuyển từ phòng hồi sức về phòng bệnh, trẻ đã hồi tỉnh tuy nhiên vẫn cần tiếp tục theo dõi ý thức, tinh thần vận động, cho trẻ nằm tư thế đầu cao khoảng 30 độ.

Sau khi thoát mê, trẻ sẽ bắt đầu có cảm giác đau vì thế phụ huynh cần động viên, an ủi trẻ đồng thời thông báo với bác sĩ, điều dưỡng để kịp thời cho trẻ dùng thuốc giảm đau. Thông thường cơn đau kéo dài trong khoảng 3 ngày và sẽ giảm dần theo thời gian.

Theo dõi tình trạng chảy máu ở vị trí dẫn lưu vết mổ (đặc biệt trong 24h đầu tiên). Không để trẻ vận động quá mạnh, đảm bảo ống dẫn lưu không bị gập, tắc ống. Lưu ý màu sắc, số lượng dịch dẫn lưu. Nếu có máu đỏ tươi cần phải báo ngay.

Chăm sóc sau phẫu thuật
Chăm sóc sau phẫu thuật đúng cách sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh chóng, hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng.

2. Theo dõi tình trạng sức khỏe sau mổ

Sau mổ trẻ có thể xuất hiện tình trạng sốt nhẹ, thậm chí sốt cao liên tục trong các trường hợp phẫu thuật điều trị viêm phúc mạc, lồng ruột, viêm ruột hoại tử …Trong thời điểm này, để giảm sốt ba mẹ nên bỏ chăn, nới lỏng quần áo, cởi bỉm hoặc quần nhưng vẫn phải mặc cho trẻ một chiếc áo mỏng tránh viêm phổi. Chỉ dùng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cặp nách ≥ 38.5 độ, khi trẻ dùng thuốc hạ sốt cần kết hợp chườm bằng nước mát hoặc nước ấm cho trẻ tại một số vị trí : nách, bẹn, trán, gan bàn tay, chân.Cần chú ý rằng sốt liên quan đến cuộc mổ đơn thuần thường sốt khoảng 2 ngày sau đó sẽ giảm dần, còn nếu thấy thân nhiệt tăng cao dần sau phẫu thuật khoảng 3 ngày cần chú ý trẻ có thể mắc các nhiễm trùng khác: vết mổ, viêm họng cấp…

3. Chế độ sinh hoạt, vận động

Phụ huynh cũng nên cho cố gắng tập cho trẻ vận động sớm, đặc biệt là phẫu thuật đường tiêu hóa sẽ kích thích được nhu động ruột sớm trở lại từ đó giảm nguy cơ dính tắc ruột sau mổ. Vận động cũng giúp hạn chế ứ đọng đờm dãi, tránh xẹp phổi, tăng cường lưu thông máu. Với bệnh nhi nhỏ chưa đi được thì thay đổi tư thế thụ động với sự giúp đỡ của người nhà và cán bộ y tế.

Chăm sóc sau phẫu thuật
PGS.TS.BS Trần Ngọc Sơn đang thăm khám, kiểm tra trình trạng sức khỏe của bệnh nhi sau phẫu thuật.

4. Chế độ ăn uống

Trong những ngày đầu sau phẫu thuật, tùy từng trường hợp cụ thể, trẻ có thể được ăn hoặc nhịn theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường với phẫu thuật ở vùng bụng, đường tiêu hóa, trẻ sẽ phải nhịn ăn cho tới trung tiện được. Bệnh nhân sẽ được truyền dịch hoặc đạm thay thế dinh dưỡng qua đường miệng. Khi đã được ăn uống bình thường trở lại, người nhà nên bắt đầu cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều, thông thường cho bệnh nhân uống nước hoặc nước đường trước khi ăn các thức ăn đặc hơn. Sau khi cho uống thử nếu bệnh nhân có nôn thì ngừng lại khoảng 30 phút – 1 giờ sau mới cho ăn thử lại.

5. Chăm sóc vết mổ

Cách chăm sóc vết mổ phụ thuộc vào vị trí, kích thước của vết mổ cũng như tính chất của phẫu thuật (mổ mở hay nội soi)

Nếu vết mổ sạch không nhất thiết phải thay băng hàng ngày, chỉ cần thay khi thấy băng thấm dịch nhiều hoặc nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm trùng. Thường phụ huynh có thể vài ngày mới phải thay băng 1 lần cho trẻ.

Nếu vết mổ bẩn (ví dụ bị viêm nhiễm, áp xe, tạo mủ…) thì cần thay băng hàng ngày, thậm chí ngày thay 2 lần nếu cần khi trẻ bị chảy mủ nhiều.

Chăm sóc sau phẫu thuật
Gia đình cần phối hợp chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc những hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc trẻ sau mổ.

Với trẻ mổ nội soi đa số vết mổ sạch, kích thước bé nên việc chăm sóc sau mổ khá đơn giản, không cần phải thay băng vết mổ hàng ngày.

Trong quá trình chăm sóc liền sẹo sau mổ của trẻ:

  • Trường hợp mổ nội soi (ví dụ trong điều trị thoát vị bẹn) thì trẻ có thể tắm sau 48h.
  • Tắm theo kiểu xối nước, không nên cho trẻ ngâm mình trong nước. Tránh ngâm mình (trong bể bơi, bồn tắm, tắm biển…) ít nhất 10 ngày để ngăn chặn nguy cơ bị nhiễm trùng.

6. Sau khi ra viện

Uống thuốc theo đơn và tuân thủ nghiêm túc dặn dò của bác sĩ. Vết mổ thường sẽ liền và có thể cắt chỉ sau khoảng 10 ngày, tuy nhiên không bắt buộc vì hiện nay chỉ khâu đa số là dùng chỉ tiêu sau khoảng 1-2 tháng tùy theo cơ địa của từng trẻ.

  • Với các phẫu thuật thông thường trẻ có thể vận động nhẹ nhàng và quay trở lại sinh hoạt, học tập bình thường sau khoảng 1 tuần sau khi ra viện.
  • Đưa đi khám lại ngay nếu có các dấu hiệu bất thường: sốt, đau vị trí mổ, vết mổ sưng nề đỏ hoặc có mủ.

Để được tư vấn, đặt lịch khám với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn vui lòng liên hệ: 0333 670 888 hoặc 0974 184 568.