Trào ngược bàng quang niệu quản là bệnh lý về đường tiết niệu hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh gây nhiễm trùng đường tiết niệu và đe dọa tổn thương thận nếu không được điều trị kịp thời. Bài viết sau sẽ cung cấp cho quý phụ huynh những thông tin cơ bản về bệnh lý này để chủ động phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
1. Trào ngược bàng quang niệu quản là gì?
Bình thường thận sẽ lọc máu, tạo nước tiểu. Nước tiểu sẽ đi theo niệu quản đến bàng quang và lưu trữ tại đây. Còn với những trẻ bị trào ngược bàng quang niệu quản thì nước tiểu sẽ chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản. Trong khi đó ở người bình thường, nước tiểu sẽ không quay trở lại niệu quản nhờ cơ chế chống trào ngược kiểu nắp túi áo (flap-van).
Bệnh ít gặp tại nước ta nhưng khá phổ biến tại các nước Âu, Mỹ. Tỷ lệ trẻ gái bị trào ngược bàng quang niệu quản nhiều hơn trẻ nam.
Trào ngược bàng quang niệu quản nếu phát hiện quá muộn, có thể gây suy giảm chức năng thận, phải chạy thận nhân tạo rất phức tạp và tốn kém.
2. Nguyên nhân gây trào ngược bàng quang niệu quản
.2.1. Bẩm sinh (nguyên phát)
Trẻ sinh ra đã có các dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu, cụ thể là thiếu van ngăn không cho nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản.
Ngoài ra một số dị tật bẩm sinh khác cũng có thể gây ra trào ngược bàng quang niệu quản gồm: nhược cơ tam giác niệu (đoạn niệu quản nội thành ngắn); dị dạng niệu quản (lỗ niệu quản rộng, niệu quản đôi, niệu quản lạc chỗ, trào ngược niệu quản do túi phồng niệu quản bên đối diện); dị dạng bàng quang (túi thừa bàng quang cạnh niệu quản, liệt bàng quang).
2.2. Bệnh lý (thứ phát)
Một số bệnh lý như viêm đường tiết niệu; bàng quang thần kinh; tắc đường tiết niệu dưới (van niệu đạo sau, hẹp niệu đạo) khiến bàng quang không thể đào thải nước tiểu, gây tắc nghẽn, ứ đọng, làm tổn thương cơ hoặc thần kinh điều khiển hoạt động tiểu tiện. Nước tiểu bị ứ lại tại bàng quang, gây tăng áp lực và dẫn tới trào ngược.
3. Các cấp độ trào ngược bàng quang niệu quản
Dựa vào kết quả phim chụp cản quang lúc đi tiểu, trào ngược bàng quang niệu quản được chia thành 5 cấp độ:
- Độ 1: trào ngược chỉ đến niệu quản.
- Độ 2: trào ngược lên đến đài thận.
- Độ 3: giãn nhẹ niệu quản, đài bể thận, các góc nhọn đài thận còn.
- Độ 4: giãn vừa niệu quản, đài bể thận, mất góc nhọn ở đài thận.
- Độ 5: giãn nặng niệu quản (ngoằn ngoèo) và đài bể thận, không còn rõ hình ảnh đài thận.
4. Triệu chứng của trào ngược bàng quang niệu quản ở trẻ
- Ở trẻ sơ sinh: biểu hiện bệnh là sốt, tiêu chảy, ăn kém, quấy khóc.
- Ở trẻ lớn hơn: trẻ hay tè dầm, táo bón, suy thận.
- Cảm giác buồn tiểu nhiều và kéo dài.
- Tiểu buốt, hay nhịn tiểu do tiểu buốt.
- Tiểu nhiều lần, mỗi lần tiểu được lượng ít.
- Tiểu ra máu hoặc tiểu ra nước tiểu đục, nặng mùi.
- Đau vùng hông lưng hoặc vùng bụng.
5. Chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản như thế nào?
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nêu trên, ba mẹ nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khám lâm sàng và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết như siêu âm, chụp X-quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch, chụp X-quang bàng quang – niệu đạo khi trẻ đi tiểu…
6. Điều trị trào ngược bàng quang niệu quản
Phương pháp điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của tình trạng trào ngược bàng quang – niệu quản.
6.1. Nguyên nhân bẩm sinh
Nếu mức độ nhẹ, khi trẻ lớn lên niệu quản dài và thẳng ra, bệnh có thể tự khỏi. Trường hợp trẻ bị viêm đường tiết niệu tái diễn thường xuyên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để điều trị vấn đề dị vật van giữa bàng quang và niệu quản, làm dài hơn đoạn niệu quản chạy trong thành bàng quang để khi bàng quang đầy, nước tiểu không trào ngược lên niệu quản.
6.2. Nguyên nhân do bệnh lý
Điều trị nguyên nhân gây ra trào ngược bàng quang niệu quản (viêm đường tiết niệu; bàng quang thần kinh; tắc đường tiết niệu…). Phối hợp thêm điều trị kháng sinh để điều trị và dự phòng viêm nhiễm đường tiết niệu nếu có. Bệnh nhân cũng có thể được thông tiểu để dẫn lưu nhanh nước tiểu bị tích tụ trong bàng quang.
Để được tư vấn, đặt lịch khám với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn vui lòng liên hệ: 0333 670 888 hoặc 0974 184 568.