THẬN Ứ NƯỚC DO HẸP KHÚC NỐI BỂ THẬN NIỆU QUẢN
Thận ứ nước là bệnh gì? Nguy hiểm không? Có điều trị được không?… và rất nhiều câu hỏi khác mà phụ huynh những bệnh nhi này quan tâm. Tác giả hi vọng bài viết dưới đây sẽ giải đáp một phần những vướng mắc, nhưng băn khoăn của các bậc phụ huynh có trẻ được chẩn đoán “thận ứ nước”.
I. Đại cương:
– Thận đóng vai trò như nhà máy lọc của cơ thể. Mỗi ngày có một lượng máu đáng kể đi qua 2 thận, những thành phần không cần thiết trong máu được thận lọc và thải qua hệ thống đài bễ thận mà chúng ta gọi là nước tiểu. Hay nói cách khác bễ thận là nơi chứa nước tiểu trước khi bóp xuống niệu quản. Niệu quản được xem như đường ống dẫn nước tiểu từ bễ thận xuống bàng quang. Bàng quang chứa đựng nước tiểu cho đến lúc có cảm giác đi tiểu.
Hình 1: Hệ tiết niệu [http://www.chop.edu]
– “Thận ứ nước” không phải là bệnh. Thuật ngữ này dùng để mô tả tất cả những trường hợp có dãn hệ thống đài bễ thận. Khi có tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu thì phía trên dòng chảy sẽ ứ đọng, ứ đọng lâu dần sẽ gây dãn to hệ thống đài bễ thận. Nhưng ngược lại, nếu thấy dãn to hệ thống đài bễ thận thì có chắc chắn có tắc nghẽn phía dưới hay không? Điều này thì không chắc chắn.
– “Thận ứ nước” để mô tả hình thái, và “thận ứ nuớc” do nguyên nhân gì? Trả lời câu hỏi này tức là chẩn đoán được bệnh của trẻ.
II. Chẩn đoán:
– Trước đây khi siêu âm còn hạn chế, trẻ thường được nhập viện với tình trạng bụng to, đôi lúc chẩn đoán nhầm lẫn với u trong ổ bụng. Ngày nay khi siêu âm ngày càng phát triển đặc biệt là siêu âm tiền sản, “thận ứ nước” hay “dãn bễ thận” được phát hiện rất sớm. Trẻ có thể có biểu hiện của một tình trạng nhiễm trùng tiểu như: sốt, tiểu đục, tiểu rặn, tiểu lắt nhắt. Hay có triệu chứng đau bụng, ói do bễ thận dãn to cố gắng bóp nước tiểu qua chỗ tắc nghẽn. Tế nhị hơn, trẻ có thể biểu hiện âm thầm bởi tình trạng ăn uống kém, chậm tăng cân. Hiếm gặp hơn là triệu chứng tiểu máu.
– Những xét nghiệm cơ bản cần thiết cho chẩn đoán: thử nước tiểu kiểm tra tình trạng nhiễm trùng tiểu. Siêu âm bụng xác định có ứ nước không? Ứ nước bên nào? Mức độ? Chụp UIV, VCUG (bàng quang niệu đạo lúc đi tiểu), xạ hình thận.
– Chẩn đoán sau cùng thường gặp ở nhi là “thận ứ nước do hẹp khúc nối bễ thận niệu quản bẩm sinh” hay gọi tắt là “thận ứ nước”. Các nguyên nhân khác ít gặp.
Hình 2: Dãn bể thận theo từng mức độ I, II, III, IV [http://www.cornellpediatrics.org]
III. Hướng điều trị:
– Việc phát hiện sớm bằng siêu âm dẫn đến 2 hệ quả: phát hiện sớm điều trị sớm đối với những trường hợp có chỉ định phẫu thuật. Ngược lại là thái độ lo lắng băn khoăn cho cả thầy thuốc và người nhà bệnh nhi, can thiệp sớm nhưng liệu có đúng không, có quá vội vàng không?
– Việc điều trị dựa trên cơ sở:
- Có triệu chứng gì? Gây phiền toái gì cho bệnh nhi?
- Nếu không có triệu chứng thì xem chức năng thận bị ứ nước, nếu giảm chức năng (dưới 35% so với tổng chức năng 2 thận) thì có chỉ định phẫu thuật.
- Những trẻ không can thiệp gì mà chỉ theo dõi định kì, diễn tiến theo chiều hướng xấu có chỉ định phẫu thuật.
- Thận ứ nước 2 bên.
IV. Phẫu thuật:
– Mổ mở hoặc mổ nội soi tạo hình khúc nối bễ thận niệu quản cho tỷ lệ thành công lên đến 90-95%.
– Trong mổ đa phần bệnh nhi được đặt một ống thông đi qua đường khâu. Ống thông này có thể được rút ngay sau mổ từ 5-7 ngày (đối với thông pyelplastik stent) hoặc hẹn nhập viện sau mổ 2-4 tuần để nội soi bàng quang rút thông (đối với thông JJ)
– Thời gian nằm viện trung bình cho chẩn đoán và phẫu thuật là 2 tuần. Nếu không có chỉ định cần phải phẫu thuật ngay, bệnh nhi sau khi được chẩn đoán sẽ được xuất viện và theo hẹn nhập viện phẫu thuật ở một thời điểm khác.
V. Theo dõi sau phẫu thuật:
– Bệnh nhi sau xuất viện sẽ được hẹn tái khám sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm.
– Xạ hình thận ở thời điểm 6 tháng sau mổ để kiểm tra chức năng thận trong những trường hợp độ ứ nước không giảm hoặc khuynh hướng tăng.
Tham khảo:
http://www.healthline.com/health/unilateral-hydronephrosis#Overview1
http://www.nhs.uk/Conditions/Hydronephrosis/Pages/Introduction.aspx
phauthuatnhi.vn