ẨN TINH HOÀN Ở TRẺ EM
Ẩn tinh hoàn là bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục phổ biến ở trẻ trai, nếu không được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể mất chức năng của tinh hoàn, thậm chí gây ung thư tinh hoàn về sau. Chính vì vậy các bậc cha mẹ cần có những hiểu biết cơ bản về bệnh để có thể phát hiện và đưa trẻ đi khám sớm.
1. Ẩn tinh hoàn là gì?
Ẩn tinh hoàn là tinh hoàn không xuống bìu mà nằm trong ổ bụng hay trong ống bẹn.
Ẩn tinh hoàn chiếm 3 – 5% ở trẻ sơ sinh đủ tháng, 20% ở trẻ đẻ non. Nhiều tinh hoàn không xuống bìu sau sinh có thể tự hạ xuống bìu trong 3 tháng đầu, vì vậy tỉ lệ ẩn tinh hoàn sau 3 tháng còn khoảng 1 – 2%.
Ẩn tinh hoàn chia thành 2 loại:
– Ẩn tinh hoàn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn.
– Ẩn tinh hoàn không sờ thấy: không sờ được tinh hoàn ở ống bẹn, tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu hay trong ổ bụng.
Hình 1: Vị trí ẩn tinh hoàn
2. Những nguy cơ của ẩn tinh hoàn.
Giảm khả năng sinh sản: ở người, bìu là nơi có nhiệt độ thấp hơn (33°C) so với nhiệt độ cơ thể (37°C) giúp cho tinh hoàn sản xuất tinh trùng tốt nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng sinh sản suy giảm đáng kể ở người bị ẩn tinh hoàn. Việc phẫu thuật đưa tinh hoàn xuống bìu làm cải thiện tình trạng này đáng kể.
Ung thư hóa khi trưởng thành: nguy cơ ung thư hoá ở những bệnh nhân ẩn tinh hoàn tăng từ 5-10 lần so với người bình thường, nguy cơ này phụ thuộc vào vị trí tinh hoàn (tinh hoàn nằm càng cao thì nguy cơ ung thư hoá càng cao) và tuổi bệnh nhân.
Xoắn tinh hoàn: biến chứng này tăng khoảng 10 lần so với xoắn tinh hoàn ở vị trí bình thường do tinh hoàn không được cố định ở bìu. Biến chứng của xoắn là hoại tử tinh hoàn làm mất chức năng và lâu dần dẫn đến teo tinh hoàn.
Chấn thương: nếu tinh hoàn nằm ở bẹn, có thể sẽ bị tổn thương bởi những va chạm vào vùng xương mu.
3. Những dấu hiệu của ẩn tinh hoàn để cha mẹ cho trẻ đi khám?
Được bác sỹ phát hiện ra ẩn tinh hoàn từ ngay sau sinh
Người nhà nhìn thấy một bên bìu xẹp so với bên đối diện hoặc thấy cả 2 bìu đều xẹp nhỏ, hoặc kiểm tra không thấy đủ 2 tinh hoàn ở trong bùi.
4. Bác sỹ sẽ làm gì khi trẻ đến khám:
Khám và đánh gía lại xem có đúng trẻ bị ẩn tinh hoàn không
Cho trẻ siêu âm để xác định vị trí của tinh hoàn và đo kích thước tinh hoàn
5. Khi nào điều trị ẩn tinh hoàn?
Tinh hoàn có thể tự xuống bìu trong những tháng đầu sau sinh, thường trong 3 tháng đâu, sau đó tỉ lệ này giảm dần và còn rất thấp.
Thời điểm phẫu thuật: thường là 6 tháng, chậm nhất là 18 tháng, thời điểm này sẽ tối ưu hoá vấn đề sản xuất tinh trùng, hormone sinh dục, cũng như tỉ lệ hoá ác về sau.
Hiện tại ở khoa Ngoại Nhi VB Xanh Pôn thời điểm phẩu thuật là 6 tháng tuổi.
6. Ẩn tinh hoàn điều trị như thế nào?
Ẩn tinh hoàn cần phải được phẫu thuật sớm, bắt đầu khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Mục đích của phẫu thuật là đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu.
Trẻ cần được chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật:
- Làm các xét nghiện máu cơ bản
- Chụp Xquang phổi
- Khám tai mũi họng
- Trẻ không được ăn thức ăn đặc 6 (sáu) giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê.
Các phương pháp phẫu thẫu thuật để điều trị ẩn tinh hoàn:
- Mổ mở đường bẹn: được áp dụng cho những trường hợp ẩn tinh hoàn sờ thấy (tinh hoàn trong ống bẹn). Phẫu thuật viên sẽ rạch nhỏ ( 2cm) ngay tại các nếp gấp da của bụng, sau đó phẫu tích đưa tinh hoàn bị ẩn xuống cố định lại vị trí bình thường ở bìu.
- Mổ nội soi ổ bụng: được áp dụng cho những trường hợp ẩn tinh hoàn không sờ thấy. Nội soi giúp chẩn đoán có tinh hoàn hay không? vị trí ở đâu? Hay tinh hoàn bị teo. Trong trường hợp có tinh hoàn thì có thể phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu 1 hoặc 2 thì.
7. Chăm sóc sau mổ tinh hoàn ẩn?
- Dùng thuốc: sau mổ trẻ sẽ được dùng giảm đau 1 ngày, không phải dùng kháng sinh.
- Trẻ sẽ nằm viện 1 ngày, ra viện vào sáng hôm sau.
- Thay băng vết mổ sau 72 giờ nếu băng vết mổ khô sạch, nếu băng ướt thì thay băng hàng ngày. Không phải cắt chỉ nếu khâu bằng chỉ tự tiêu hoặc cắt chỉ sau 7 ngày.
- Trẻ không cần kiêng ăn hoặc kiêng vận động sau phẫu thuật, tuy nhiên nên hạn chế những vận động mạnh những ngày đầu sau mổ vì đau và vết mổ chưa hoàn toàn lành hẳn.
8. Biến chứng sau mổ ẩn tinh hoàn?
- Ẩn tinh hoàn tái phát.
- Xoắn tinh hoàn.
- Chảy máu vềt mổ.
- Tụ dịch, tụ máu sau mổ.
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Teo tinh hoàn.
9. Theo dõi sau mổ ẩn tinh hoàn?
- Khám lại theo lịch hẹn, thường là 1 tháng 3 tháng 6 tháng 1 năm. Khi tái khám, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước và vị trí tinh hoàn bằng việc thăm khám và siêu âm.
- Bệnh nhi cần được theo dõi đến tuổi trưởng thành để đánh giá chức năng sinh tinh và nội tiết của tinh hoàn cũng như nguy cơ hoá ác nếu có.
- Nếu có phát hiện bất thường, nên khám lai ngay.
10. Khi phát hiện bé trai có biểu hiện của ẩn tinh hoàn thì cha mẹ có thể đưa bé khám tại Khoa ngoại nhi Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn Hà Nội để được khám và tư vấn.
11. Tài liệu tham khảo:
1. John M Hutson. Orchidopexy. Pediatric Surgery, 7th edition, edited by Lewis Spitz and Arnold G Coran. Mosby 2013, pp. 891- 900
2. Ẩn tinh hoàn. Pháp đồ điều trị nhi khoa. Nhà xuất bản Y học, 2013, tr 1150 – 1152
3. http://phauthuatnhi.vn