HẸP BAO QUY ĐẦU

I. ĐẠI CƯƠNG

● Hẹp bao qui đầu (chít hẹp bao quy đầu, hẹp da qui đầu – phimosis) là một bệnh lý thường gặp ở bé trai.

● Hẹp bao qui đầu là hẹp lỗ mở của bao qui đầu làm cho bao qui đầu không thể tách khỏi qui đầu.

● Hẹp bao qui đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý:

– Hẹp sinh lý (hẹp tiên phát) là hẹp do dính, bao qui đầu dính với qui đầu để bảo vệ qui đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra. Đa số bé trai mới sinh (96%)

đều có hẹp bao qui đầu sinh lý, đến 3 tuổi, tỉ lệ này giảm dần xuống còn 10% và giảm xuống còn 1% lúc 14 tuổi.

– Hẹp bệnh lý (hẹp thứ phát, mắc phải) là hẹp thực sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm ở những bao qui

đầu bình thường hoặc bao qui đầu dài, cũng có thể do những lần nong bao qui đầu quá mạnh bạo trước đó.

● Cắt bao qui đầu đã được thực hiện từ 6.000 năm trước ở Ai Cập, được coi là phương pháp điều trị kinh điển cho những trẻ em bị hẹp bao qui đầu, ngoài

ra còn vì lý do phong tục, tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu, phòng ung thư dương vật… Phương pháp này có kết quả nhưng cũng có nhiều biến chứng.

Những năm gần đây, nhiều báo cáo đã mô tả các phương pháp điều trị bảo tồn hẹp bao qui đầu, sử dụng kem chống viêm steroid bôi da tại chỗ với tỉ lệ

thành công khá cao.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh: bé đến khám vì tiểu khó, khi tiểu phải rặn và làm phồng bao qui đầu. Những bé nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Lỗ thông bao qui đầu quá nhỏ sẽ gây cản trở cho bài xuất nước tiểu, và bao qui đầu bị viêm nhiễm luôn luôn tấy đỏ và ngứa ngáy.

b. Khám lâm sàng: thường thấy sự hiện diện của vòng thắt bao qui đầu, đôi khi thấy những kén bã nằm bên trong bao qui đầu.

c. Cận lâm sàng

● Xét nghiệm nước tiểu: có nhiễm trùng tiểu?

● Siêu âm: tìm dị tật phối hợp.

2. Chẩn đoán xác định

Dựa vào lâm sàng.

3. Chẩn đoán phân biệt

● Vùi dương vật (burried penis): dương vật bị vùi dưới lớp mỡ trước xương mu kèm hẹp bao qui đầu.

● Thắt nghẽn bao qui đầu (paraphimosis): bao qui đầu bị thắt nghẽn ở khấc qui đầu tạo garô dương vật sau khi tách bao qui đầu ra khỏi qui đầu.

● Dài bao qui đầu (long prepuce): bao qui đầu dài nhưng không bị hẹp.

III. ĐIỀU TRỊ HẸP BAO QUY ĐẦU

1. Nguyên tắc điều trị

● Giải thích kỹ cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân về các cách điều trị, ưu và khuyết điểm của từng kỹ thuật để có sự hợp tác về sự chọn lựa điều trị.

● Lựa chọn và thực hiện kỹ thuật an toàn, tránh các biến chứng và có tính thẩm mỹ cao.

2. Điều trị bảo tồn

a. Chỉ định: khi có hẹp bao qui đầu ở mọi lứa tuổi.

b. Kỹ thuật

● Điều trị bảo tồn được thực hiện tại bệnh viện và tại nhà.

● Điều trị những lần đầu tại bệnh viện, bệnh nhân được gây tê tại chỗ bằng gel Xylocain 2%. Bác sĩ hoặc điều dưỡng dùng các ngón tay, que thăm dò

hoặc kìm nhỏ nong tách dính giữa hai lớp qui đầu và bao qui đầu cho tới khấc qui đầu, sau đó rửa sạch các chất bã và bôi trơn bao qui đầu bằng kem

Betamethason 0,05%. Nong một cách nhẹ nhàng, tránh làm rách bao, chảy máu có nguy cơ dính hẹp lại về sau. Trường hợp khó, chỉ cần nong nhẹ cho

thấy lỗ tiểu, sau đó nong dần mỗi ngày. Kê toa: giảm đau (paracetamol)+ kem Betamethason 0,05%.

● Hướng dẫn cha mẹ bé cách nong bao qui đầu bằng các ngón tay, vệ sinh, thoa kem Betamethason 0,05%.

● Cha mẹ bé thực hiện việc điều trị tại nhà, mỗi ngày 1 – 2 lần trong 1 – 2 tháng. Trong quá trình thực hiện có gì khó khăn => tái khám.

3. Điều trị phẫu thuật

Cắt bao qui đầu.

a. Chỉ định và chống chỉ định

● Chỉ định:

– Điều trị bảo tồn thất bại.

– Hẹp bao qui đầu thực sự (có vòng xơ).

– Có thắt nghẽn bao qui đầu.

– Theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân.

● Chống chỉ định:

– Vùi dương vật.

– Viêm bao qui đầu.

– Hẹp niệu đạo.

b. Kỹ thuật cắt bao qui đầu

● Vô cảm: cắt bao qui đầu đươc thực hiện dưới gây mê; đối với trẻ lớn chịu hợp tác => tê xương cùng hoặc tê gốc dương vật.

● Các kỹ thuật cắt bao qui đầu thường được sử dụng:

– Kiểu kinh điển (3 pince):

+ Cắt toàn bộ bao qui đầu (kiểu “cắt trọc đầu”).

+ Cắt phần hẹp bao qui đầu.

– Kiểu cắt bao qui đầu theo đường đánh dấu.

– Kiểu Duhamel (xẻ lưng).

– Kiểu mở rộng bao qui đầu (rạch dọc khâu ngang).

4. Điều trị sau phẫu thuật

● Cắt bao qui đầu là một phẫu thuật về trong ngày.

● Kê toa xuất viện: kháng sinh, giảm đau

● Thay băng mỗi ngày tại y tế địa phương.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi và điều trị biến chứng

a. Biến chứng khi điều trị bảo tồn tại nhà: chảy máu hoặc thắt nghẽn bao qui đầu => đến cơ quan y tế gần nhất để điều trị ngay.

b. Biến chứng sau cắt bao qui đầu

● Biến chứng sớm:

– Chảy máu (thường ở vị trí dây thắng, mạch máu dưới bao qui đầu)=> cầm máu (băng ép, đốt điện, hoặc khâu cầm máu).

– Phù nề, máu tụ => đắp ấm, hoặc thoát dịch, thoát máu tụ.

– Nhiễm trùng => thay băng + kháng sinh.

– Thiếu da do cắt bỏ quá nhiều bao qui đầu (xảy ra do cắt bao qui đầu ở tư thế dương vật không cương) => ghép da.

– Tổn thương qui đầu và một phần dương vật do kẹp bao qui đầu không chính xác => tạo hình lại qui đầu, dương vật.

● Biến chứng muộn:

– Dính bao qui đầu sau cắt (do chừa lại bao qui đầu quá nhiều) => tách dính, hoặc cắt lại bao qui đầu.

– Thắt nghẽn bao qui đầu (do phù nề, chưa cắt hết vòng thắt bao qui đầu) => giảm phù nề (đắp ấm, thoát dịch, thuốc alphachymotrypsin) hoặc cắt vòng thắt.

– Sẹo xấu (thường ở vị trí dây thắng) => cắt sẹo, tạo hình lại bao qui đầu. Nếu cơ địa sẹo lồi => dùng corticoid.

– Hẹp lỗ tiểu (do tổn thương mạch nuôi lỗ tiểu) => mở rộng lỗ tiểu.

– Rò niệu đạo (do tổn thương niệu đạo trong lúc mổ) => vá rò.

2. Tái khám

● Tái khám định kỳ: 1-2 tuần, 1 – 2 tháng.

● Tái khám để đánh giá kết quả và đề ra hướng điều trị tiếp.

messenger
zalo
call
Đặt lịch khám