I. ĐẠI CƯƠNG
● Bàng quang thần kinh (BQTK) là tình trạng bàng quang mất đi sự vận động
bình thường vốn có. Khả năng giãn nở để chứa nước tiểu từ niệu quản và co
bóp để tống nước tiểu ra khỏi bàng quang không còn bình thường.
● Nguyên nhân: do thương tổn các rễ thần kinh đến chi phối sự vận động của
bàng quang, thường là hậu quả của thương tổn bẩm sinh như tật sa tủy
màng tủy, dị dạng xương cùng. BQTK còn có thể xảy ra sau các phẫu thuật
cắm lại niệu quản vào bàng quang, phẫu thuật dị dạng hậu môn-trực tràng,
phẫu thuật cắt u vùng cùng cụt.
● BQTK là nỗi ám ảnh của bệnh nhân và thầy thuốc vì bệnh không thể chữa
khỏi. Tiểu không kiểm soát, nhiễm trùng và suy thận luôn ảnh hưởng đến đời
sống, tâm lý và ngay cả đến tính mạng của bé.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
● Lý do nhập viện: các rối loạn về đường tiểu như tiểu không kiểm soát, tiểu đục.
● Tiền căn: mổ sa tủy màng tủy, dị dạng hậu môn-trực tràng.
b. Khám lâm sàng: tìm những dấu hiệu bất thường vùng thắt lưng cùng, ấn chẩn
tìm bàng quang.
c. Cận lâm sàng
● Xét nghiệm: ure, creatinin, công thức máu, tổng phân tích nước tiểu.
● Siêu âm: cho biết bề dày của thành bàng quang, kích thước thận, bề dày nhu
mô thận; có giãn niệu quản hay không.
● X-quang:
– Chụp bụng không chuẩn bị: tìm các dị tật của cột sống.
– Chụp bàng quang lúc tiểu: cho biết dấu hiệu bàng quang chống đối, túi
thừa, tình trạng trào ngược bàng quang-niệu quản, kích thước bàng quang.
– Chụp hệ niệu cản quang đường tĩnh mạch (UIV): chỉ thực hiện khi không
có suy thận. Đánh giá chức năng thận, hình thái niệu quản.
● Niệu động học: đo áp lực bàng quang và niệu đạo có giá trị trong BQTK.
● Soi bàng quang: đánh giá hình thái bàng quang.
2. Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.
3. Chẩn đoán phân biệt
● Van niệu đạo sau: tiểu khó, niệu đạo sau giãn rộng trên phim chụp bàng
quang lúc tiểu.
● Trào ngược bàng quang-niệu quản: không có dị tật cột sống và tiền căn
phẫu thuật.
● Niệu quản lạc chỗ trong thận đơn: bệnh nhân luôn luôn són tiểu ngoài những
lần đi tiểu bình thường.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
● Chống són tiểu và tồn đọng nước tiểu.
● Chống nhiễm trùng tiểu.
● Bảo vệ chức năng thận.
2. Điều trị trước phẫu thuật (NỘI KHOA)
● Són tiểu: tăng sức cản cổ bàng quang-niệu đạo, giảm áp lực bàng quang
bằng các thuốc kích thích alpha, kháng tiết cholin.
● Tiểu khó, tồn đọng nước tiểu: giảm sức cản cổ bàng quang-niệu đạo, tăng áp
lực bàng quang bằng các thuốc chẹn alpha, giãn cơ, tiết cholin và đặt thông
tiểu sạch gián đoạn (CIC – clean intermittent catheterization, được chỉ định
cho những trường hợp thể tích bàng quang còn khá lớn).
3. Điều trị phẫu thuật
a. Nguyên tắc phẫu thuật: mục đích làm giảm són tiểu hoặc làm tăng khả năng
thoát nước tiểu hoặc cả hai.
b. Chỉ định phẫu thuật
● Mở bàng quang ra da (Vesicostomy): trẻ sơ sinh có giãn bể thận và niệu
quản, bệnh nhi trong tình trạng nhiễm trùng tiểu kèm suy thận nặng hoặc
nhiễm trùng tiểu không cải thiện với điều trị nội khoa.
● Dẫn lưu bàng quang có kiểm soát nước tiểu: kỹ thuật Mitrofanoff, khi không
thể sử dụng CIC hoặc CIC không hiệu quả.
● Phẫu thuật chống són tiểu: đai quàng cổ bàng quang.
● Phẫu thuật tạo hình tăng dung tích bàng quang: chỉ định khi thể tích bàng
quang nhỏ, tăng thể tích bàng quang bằng niệu quản hoặc bằng ruột.
4. Điều trị sau phẫu thuật
● Kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3 và giảm đau sau mổ.
● Thay băng: khi thấm dịch.
● Rút penrose dẫn lưu vết mổ: khi không hoạt động (48 -72 giờ sau mổ).
● Rút thông tiểu: sau 4-5 ngày.
● Thời gian nằm viện: 7 – 10 ngày.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
1. Theo dõi
● Tình trạng nhiễm trùng tiểu.
● Tình trạng són tiểu.
● Chức năng thận (Ure, creatinin máu).
2. Tái khám
Sau 1 tháng, 6 tháng, hàng năm.