DỊ DẠNG TỬ CUNG MỘT SỪNG

DỊ DẠNG TỬ CUNG MỘT SỪNG

I. ĐẠI CƯƠNG

● Tử cung một sừng ở trẻ gái là dị dạng bẩm sinh của tử cung ít gặp do phát triển bất thường của ống Muller trong quá trình hình thành tử cung.
● Tử cung một sừng chia thành 4 loại (theo phân loại của hiệp hội sinh sản Hoa Kỳ 1988):
    – Sừng thô sơ thông thương.
    – Sừng thô sơ không thông thương.
    – Sừng thô sơ không có lòng.
    – Không có sừng thô sơ.


● Thường gặp là dạng tử cung một sừng có sừng tử cung thô sơ dạng không thông thương (unicornuate uterus with rudimentary horn – non
communicating). Trong dị dạng này thường kèm theo bất sản thận một bên.

● Tử cung một sừng gây ra đau bụng ở trẻ gái tuổi dậy thì khi hành kinh và có thể hóa ác về sau.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán:
a. Hỏi bệnh: bệnh nhân tuổi dậy thì, đến khám vì đau bụng và có thể có rỉ dịch ở âm đạo.
● Kỳ kinh nguyệt đầu tiên, lần nhập viện?
● Tình trạng đau bụng liên quan đến hành kinh?
b. Khám lâm sàng
● Khám tổng quát.
● Khám vùng âm hộ.
● Sờ bụng ấn đau vùng hạ vị có thể sờ thấy một khối (mass), thăm trực tràng phát hiện khối u do chèn ép vùng tiểu khung.
c. Cận lâm sàng
● Các xét nghiệm máu và nước tiểu thường qui.
● Siêu âm bụng – niệu dục: hình ảnh tử cung đôi, to tai vòi ứ máu kinh, có thể phát hiện bất sản thận một bên đi kèm.
● UIV có thể có hình ảnh thận độc nhất.
● Chụp CT vùng bụng tiểu khung có hình ảnh tử cung đôi.
2. Chẩn đoán xác định: dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.
3. Chẩn đoán phân biệt:
● Bướu buồng trứng.
● U vùng tiểu khung.
● Niệu quản lạc chỗ.

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị: điều trị nhằm giải quyết tình trạng đau bụng hoặc biến chứng do tử cung một sừng có thể gây ra.
2. Điều trị trước phẫu thuật: soi âm đạo (vaginalscopy) kiểm tra trước trong những trường hợp khó.
3. Điều trị phẫu thuật
a. Nguyên tắc phẫu thuật

  • Bảo tồn tử cung chính.
  • Bảo tồn phần phụ của tử cung thô sơ.
  • Cắt bỏ tử cung thô sơ.

b. Chỉ định: phẫu thuật khi chẩn đoán đã được xác định.
c. Kỹ thuật mổ
● Rạch da: đường nếp bụng thấp dài 5 cm.
● Bộc lộ và xử trí thương tổn: mở cân cơ đường giữa, vào bụng xác định tử cung thô sơ => xẻ tai vòi hút sạch máu kinh, bảo tồn phần phụ; cắt tử cung
thô sơ sát thân tử cung còn lại tránh làm thương tổn thân tử cung một sừng, cầm máu kỹ động mạch tử cung, khâu cầm máu diện cắt tử cung bằng chỉ
Vicryl 2.0; đề phòng tổn thương niệu quản cùng bên trong trường hợp không có bất sản thận một bên kèm theo khi phẫu thuật.

● Kết thúc: dẫn lưu vết mổ, đóng vết mổ, khâu trong da bằng catgut 4.0. Băng vết mổ.
4. Điều trị sau phẫu thuật
● Thuốc: kháng sinh cefotaxim, giảm đau paracetamol 5-7 ngày.
● Thay băng: khi băng thấm dịch.
● Rút dẫn lưu vết mổ: 2-3 ngày.
● Thời gian nằm viện: 7 ngày.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

● Theo dõi: tình trạng đau bụng, rỉ dịch âm đạo
● Tái khám định kỳ: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm

Nguồn: Phác đồ nhi đồng 1 – 2015

messenger
zalo
call
Đặt lịch khám