I. ĐẠI CƯƠNG
Teo ruột non bao gồm teo tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng, trong đó thường gặp là teo hỗng hồi tràng. Teo ruột non có tỉ lệ 1/1500 trẻ sinh sống. Bệnh sinh của teo ruột non có nhiều giả thiết nhưng giả thiết được chấp nhận nhiều nhất là do tai biến mạch máu mạc treo trong giai đoạn bào thai. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào hồi sức trước mổ, chiều dài đoạn ruột còn lại sau mổ, tuổi thai, cân nặng, dị tật phối hợp, loại dị dạng.
Phân loại teo ruột non:
II. CHẨN ĐOÁN TEO RUỘT NON
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
● Đa ối.
● Nôn sớm ngay sau sinh, trong vòng 24 – 48 giờ đầu sau sinh, thường nôn dịch vàng hoặc xanh (dịch mật).
● Không ỉa phân su.
b. Khám lâm sàng
● Vàng da.
● Dấu hiệu mất nước.
● Bụng chướng, có thể thấy dấu hiệu quai ruột nổi, thành bụng nề đỏ khi biến chứng viêm phúc mạc.
● Thăm trực tràng hay đặt sonde trực tràng không có phân, hoặc kết thể phân su nhầy trắng.
● Tìm dị tật phối hợp, đặc biệt chú ý tim bẩm sinh, hội chứng Down thường gặp ở teo tá tràng.
c. Xét nghiệm
● X-quang bụng: có thể thấy hình ảnh:
– 2 bóng khí dịch: teo tá tràng.
– 3 bóng khí dịch: teo hỗng tràng.
– Nhiều mực nước hơi: teo hồi tràng.
– Quai ruột non dãn, không có hơi trong trực tràng.
– Hiếm khi thấy hình ảnh mực khí dịch ± dấu vôi hóa đặc trưng của viêm phúc mạc bào thai, hơi tự do trong ổ bụng khi biến chứng viêm phúc mạc.
● Siêu âm bụng: hẹp lòng ruột, dấu tắc ruột, dịch ổ bụng, phân biệt nguyên nhân khác như xoắn ruột.
● CTM, tiểu cầu đếm, TS – TC.
● Ion đồ.
● SpO2, khí máu khi có suy hô hấp.
2. Chẩn đoán xác định
● Lâm sàng:
– Nôn ói sớm, dịch vàng xanh.
– Bụng chướng.
– Sonde trực tràng không có phân.
● X-quang bụng: quai ruột non dãn, không có hơi trong trực tràng.
III. ĐIỀU TRỊ TEO RUỘT NON
1. Điều trị ban đầu tại y tế cơ sở trước chuyển viện
● Hỗ trợ hô hấp: Oxy canuyn giữ SaO2 90 – 96%.
● Nằm đầu cao.
● Nhịn ăn.
● Đặt sonde dẫn lưu dạ dày phòng viêm phổi do hít chất nôn.
● Truyền dịch, điều chỉnh rối loạn nước điện giải, toan kiềm.
● Điều trị hạ đường huyết.
● Kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3 TM.
● Vitamin K1.
● Giữ ấm tránh hạ thân nhiệt.
Chuyển ngay đến bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật sơ sinh, không theo tuyến.
2. Hồi sức trước mổ
a. Đánh giá tình trạng bệnh nhân trước mổ
● Tuổi thai.
● Cân nặng.
● Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt độ, nhịp thở.
● Rối loạn nước điện giải.
● Nhiễm trùng: viêm phổi, nhiễm trùng huyết.
● Dị tật kèm theo. Biến chứng: xoắn ruột, viêm phúc mạc.
b. Hồi sức trước mổ
● Nằm đầu cao.
● Nhịn ăn và dẫn lưu dạ dày.
● Giữ ấm.
● Hỗ trợ hô hấp: Oxy canuyn giữ SaO2 90 – 96%.
● Kháng sinh:
– Cephalosporin thế hệ 3 TM.
– Nếu có nhiễm khuẩn huyết đường ruột hoặc viêm phúc mạc do thủng: Cephalosporin thế hệ 3 hoặc ciprofloxacin hoặc imipenem tĩnh mạch kết hợp aminoglycosid + Metronidazol TM (viêm phúc mạc).
● Truyền dịch, điều trị mất nước, điều chỉnh rối loạn điện giải, toan kiềm, phát hiện và điều trị hạ đường huyết.
● Vitamin K1: liều 1 mg (tiêm bắp).
3. Phẫu thuật
● Thời điểm phẫu thuật: khi bồi hoàn và điều chỉnh tình trạng rối loạn nước điện giải đầy đủ + kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng.
● Mục đích phẫu thuật: thiết lập sự lưu thông đường tiêu hóa (nối ruột tận – tận 1 thì).
● Đường tiếp cận có thể qua phẫu thuật nội soi hay mổ hở.
● Kỹ thuật:
– Nằm ngửa, đường mổ ngang trên rốn.
– Thám sát đánh giá phân loại teo.
– Bơm nước muối sinh lý vào đầu xa để kiểm tra sự thông thương và làm rộng khẩu kính đầu xa.
– Cắt bỏ đoạn ruột dãn to, thành dày ở đầu gần ngay phía trên chỗ teo, tapering đầu gần.
– Thực hiện nối ruột 1 lớp.
– Xem xét thực hiện mở hỗng tràng ra da qua sonde trong trường hợp teo ở đoạn đầu hỗng tràng, gần góc Treitz.
– Đóng bụng.
4. Hồi sức sau mổ
a. Công việc khi tiếp nhận bệnh từ phòng mổ
● Phương pháp mổ: cắt ruột nối tận tận, chiều dài đoạn ruột còn lại hoặc mở hồi tràng ra da, dẫn lưu ổ bụng.
● Tai biến trong phẫu thuật.
● Các bệnh lý kèm theo.
b. Xử trí
● Xử trí ban đầu
– Nằm đầu cao.
– Hỗ trợ hô hấp: ít khi cần thở máy, nếu có thường chỉ thở máy trong thời gian ngắn khoảng vài giờ sau mổ.
– Điều trị sốc nếu có.
– Duy trì thân nhiệt.
– Kháng sinh:
+ Cephalosporin thế hệ 3 TM.
+ Nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phúc mạc: Cephalosporin thế hệ 3 hoặc Ciprofloxacin hoặc Imipenem + Amikacin + Metronidazol TM (viêm phúc mạc).
– Nhịn ăn dẫn lưu dạ dày.
– Xét nghiệm: Hct, ion đồ.
– Truyền dịch: Dextrose 10% trong 0,2% natri clorua, Kali chlorua. Điều chỉnh rối loạn nước điện giải, toan kiềm.
● Xử trí về sau
– Dinh dưỡng:
+ Nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn trung bình 7 – 10 ngày.
+ Khi sonde dạ dày ra ít dịch trong thì bắt đầu cho ăn qua đường tiêu hóa, tăng dần.
– Tiếp tục kháng sinh TM từ 7 – 10 ngày.
– Điều trị biến chứng:
+ Viêm phổi: kháng sinh.
+ Viêm phúc mạc sau mổ do bục miệng nối: phẫu thuật.
+ Hội chứng ruột ngắn: thường thời gian nuôi ăn tĩnh mạch một phần kéo dài kèm nuôi qua đường tiêu hóa với sữa mẹ, nếu không có sữa mẹ thay bằng sữa thành phần (elements formulla).
IV. THEO DÕI
Các bệnh nhân sau mổ teo ruột non, đặc biệt các trường hợp đoạn ruột còn lại ngắn, phải được theo dõi mỗi tháng trong 6 tháng, sau đó mỗi 3 – 6 tháng, ít nhất trong 1 năm. Các dấu hiệu cần theo dõi: nôn ói, hội chứng kém hấp thu, cân nặng, phát triển thể chất.