Thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em – cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm.
Thoát vị bẹn nghẹt là tình trạng tạng trong ổ bụng chui xuống trong túi thoát vị và bị nghẹt lại. Tình trạng này có thể dẫn đến hoại tử, nghĩa là các mô trong túi thoát vị chết đi vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt là tình trạng cấp cứu cần được phát hiện và điều trị sớm.
1. Thoát vị bẹn nghẹt là gì?
Thoát vị bẹn là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Bình thường sau sinh ống phúc tinh mạc ở nam, ống Nuck ở nữ xơ hóa và tự bịt kín. Nếu chúng không tự bịt kín, các thành phần trong ổ bụng chui qua ống này xuống vùng bẹn gây nên thoát vị bẹn và khi các tạng này bị thắt nghẹt trong ống bẹn sẽ gây ra tình trạng thoát vị bẹn nghẹt.
Hình ảnh thoát vị bẹn
Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nặng. Trẻ càng nhỏ nguy cơ bị thoát vị bẹn nghẹt càng cao và càng nguy hiểm.
Thoát vị bẹn nghẹt cần chẩn đoán thật sớm và xử trí ngay vì nếu chỉ sau 6 – 12 giờ tạng sẽ bị hoại tử dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng). và những rối loạn toàn thân.
2. Biểu hiện của thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em là gì?
Thoát vị bẹn ở trẻ em khi không nghẹt có những biểu hiện sau đây:
- Xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn của trẻ. Ở bé trai khối phồng này còn lan đến vùng bìu, ở bé gái là vùng mu – môi lớn. Nếu trẻ nằm yên rất khó phát hiện khối phồng vì khi đó khối thoát vị (dịch ổ bụng hoặc ruột) lại chui về ổ bụng, vùng bẹn của trẻ trở về trạng thái bình thường. Kích thước khối phồng sẽ tăng lên khi trẻ vận động mạnh, chạy nhảy, ho, quấy khóc hoặc rặn. Có thể nhìn thấy khối thoát vị chuyển động dọc theo ống bẹn khi trẻ chạy nhảy.
- Nắn vào vùng phồng sờ được túi thoát vị. Khối thoát vị mềm, nắn không đau. Có thể đẩy khối thoát vị di chuyển.
Thoát vị bẹn ở trẻ khi bị nghẹt có những biểu hiện sau đây:
- Xuất hiện khối phồng vùng bẹn bùi, khối xuất hiện liên tục ko xẹp đi được, kèm theo trẻ kêu đau vùng khối phồng đặc biệt đau tăng khi chạm vào, ở trẻ nhỏ chưa biết nói thì trẻ sẽ quấy khóc liên tục, bỏ ăn, nôn. Giai đoạn muộn sẽ thấy trẻ mệt, không chơi.
- Khi nắn vào khối phồng sẽ thấy chắc, ấn không xẹp. Da vùng bìu thấy sưng nề, tím
3. Hậu quả của thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trong
- Hoại tử ruột
- Hoại tử buồng trướng ở trẻ nữ
- Gây thiếu máu nuôi tinh hoàn có thể dẫn đến teo tinh hoàn
- Gây thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm trùng nhiễm độc nặng, tử vong
4. Điều trị thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt là loại cấp cứu ngoại khoa, cần được phát hiện và phẫu thuật sớm. Có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:
4.1. Điều trị bảo tồn
Nếu bệnh nhân đến rất sớm, ta có thể đẩy khối thoát vị bẹn nghẹt lên và theo dõi.
Với trẻ nhỏ, điều kiện đến sớm, toàn thân chưa có nhiễm độc, cách tiến hành là:
- Tiêm thuốc an thần, giảm đau theo liều thích hợp.
- Ngâm nửa người cháu bé vào chậu nước ấm, chờ 15-20 phút, khối thoát vị có thể tự lên được.
- Có thể dùng tay xoa nhẹ ở khối thoát vị nhưng không được nắn thô bạo đề phòng vỡ tạng bên trong.
- Khi tạng đã lên được thì vẫn phải theo dõi sát đề phòng ruột hoại tử thứ phát gây viêm phúc mạc.
4.2. Phẫu thuật
Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau như: Mổ mở đường bẹn hoặc phẫu thuật nội soi (có thể là nội soi 1 lỗ, 2 lỗ hoặc 3 lỗ tuỳ thuộc vào trình độ từng cơ sở y tế). Mỗi phương pháp mổ đều có những ưu nhược điểm nhất định. Mục đích của phẫu thuật nhằm:
- Giải phóng nhanh tạng thoát vị bị nghẹt, thiếu máu.
- Khâu đóng lại lỗ thoát vị.
Phẫu thuật nội soi một lỗ là phương pháp tốt nhất và an toàn nhất hiện nay để điều trị thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ em. Phương pháp này hiện đang được áp dụng thường quy tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội
Cần lưu ý: Các bậc Phụ Huynh khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của thoát vị bẹn hãy đưa trẻ đi khám sớm để tránh trẻ bị biến chứng thoát vị bẹn nghẹt.
Để được khám và tư vấn về bệnh thoát vị bẹn vui lòng liên hệ tới khoa phẫu thuật nhi Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội. ĐT 0974184568