Lưu ý trước phẫu thuật
Trước một ca phẫu thuật, bất cứ ai cũng không tránh khỏi sự lo lắng, sợ hãi, đặc biệt với trẻ em. Ba mẹ cần có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, thể chất cho trẻ để đảm bảo ca mổ diễn ra an toàn, hiệu quả, trẻ vượt qua sự kiện này một cách nhẹ nhàng.
1. Chuẩn bị về tâm lý
Ba mẹ cần có sự tin tưởng vào cơ sở y tế đã lựa chọn để điều trị cho trẻ. Nếu có bất cứ vấn đề nào còn thắc mắc, nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ, tránh tâm lý hoang mang, lo lắng. Không nên thể hiện sự bất an trước mặt trẻ để tránh lan truyền nỗi sợ sang trẻ.
Tùy theo mức độ phát triển tâm lý và nhận thức của trẻ, cha mẹ nên giải thích cho trẻ được biết những gì sắp diễn ra theo cách tích cực, đơn giản và dễ hiểu. Ví dụ như trẻ cần phải tiêm, phụ huynh có thể nói: “Tiêm chỉ đau một chút thôi nhưng sẽ giúp con khỏi bệnh.” Tuyệt đối không nên nói những điều tiêu cực, hù dọa trẻ. Ví dụ “Con không ngừng khóc là sẽ bị bác sĩ tiêm đau.”
Nhìn chung nên tạo không khí an tâm, thoải mái cho trẻ trước khi mổ.
2. Chuẩn bị đầy đủ thông tin cung cấp cho bác sĩ
Ba mẹ cần cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình sức khỏe của con gồm:
- Tiền sử bệnh tật.
- Trẻ sinh có đủ tháng không; có dị ứng thuốc hay thức ăn gì không; có hay bị ốm hoặc mắc các bệnh như cảm, sốt, viêm họng … hay không.
- Từ sau khi trẻ tập đi, có thường xuất hiện các vết bầm tím khó giải thích hay không.
- Trẻ có từng trải qua một cuộc gây mê phẫu thuật nào khác trước đó không? Nếu có trẻ có bị nôn, buồn nôn sau mổ, có gặp phải các biến chứng hô hấp hay biến chứng phẫu thuật nào không?
- Tiền sử bệnh tật gia đình, có ai mắc phải các bệnh lý di truyền hoặc mang tính chất gia đình như bị chứng động kinh, các bệnh rối loạn đông máu, hemophilia…
- Ngay trước mổ, cần kiểm tra lại chiều cao, cân nặng cho trẻ; thông báo cho các y bác sĩ nếu trẻ có các triệu chứng bất thường như ngứa, ho, sốt, chảy nước mũi… mới xuất hiện.
3. Chuẩn bị vệ sinh trước mổ cho trẻ
Thông thường trước mổ, ba mẹ sẽ được hướng dẫn tắm rửa sạch sẽ cho trẻ, cắt móng tay, móng chân, nhỏ nước muối sinh lý vào mắt, mũi hoặc với trẻ lớn hơn thì hướng dẫn trẻ tự rửa xì mũi.
Trước khi lên phòng mổ, trẻ được phát 1 bộ quần áo bệnh nhân (của bệnh viện). Với các em bé quá nhỏ, chưa tự ý thức trong việc vệ sinh, cha mẹ nên chuẩn bị thêm bỉm sạch cho con.
4. Cho trẻ nhịn ăn trước mổ
Nguyên nhân là vì phẫu thuật ở trẻ em đa số sẽ phải gây mê toàn thân. Nếu để dạ dày đầy (trẻ ăn no) dễ hít phải chất nôn, dịch dạ dày vào phổi do các cơ hô hấp và các phản xạ đường thở bị ức chế khi sử dụng các thuốc mê, thuốc giảm đau, giãn cơ. Tình trạng này có thể gây ngừng thở, đe dọa đến tính mạng. Bởi vậy việc cho trẻ nhịn ăn trước mổ theo hướng dẫn của bác sĩ là vô cùng quan trọng.
– Trẻ đang bú mẹ, cần ngừng bú ít nhất 4 tiếng trước khi mổ.
– Trẻ ăn thức ăn mềm cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi mổ.
– Trẻ ăn thức ăn cứng cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng trước khi mổ.
Tuy nhiên tùy theo từng trường hợp, nếu có chỉ định cụ thể từ bác sĩ, trẻ có thể được uống nước chứa carbonhydrate hoặc là nước đường khoảng 2 tiếng trước khi mổ.
Trên đây là tổng hợp những điều cần lưu ý trước khi phẫu thuật để đảm bảo trẻ trải qua cuộc mổ một cách nhẹ nhàng với tâm thế an tâm, thoải mái nhất.
Để được tư vấn, đặt lịch khám với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Sơn vui lòng liên hệ: 0333 670 888 hoặc 0974 184 568.