Thận ứ nước ở trẻ nhỏ là tình trạng nước tiểu bị ứ lại ở bể thận do hẹp hoặc tắc nghẽn niệu đạo gây ra. Một trong những nguyên nhân gây thận ứ nước ở trẻ nhỏ thường gặp nhất là do hẹp niệu quản. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về việc chẩn đoán và điều trị sớm thận ứ nước ở trẻ nhỏ.
1. Thận ứ nước ở trẻ là gì?
Hình ảnh thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản
Thận ứ nước ở trẻ là tình trạng nước tiểu không đào thải xuống bàng quang, do đó nước tiểu bị ứ lại làm cho bể thận ngày càng giãn to, thận bị sưng phù, tổn thương. Nguyên nhân thường là do hẹp hoặc tắc nghẽn xảy ra ở niệu quản.
2. Nguyên nhân gây thận ứ nước ở trẻ
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thận ứ nước ở trẻ nhỏ là do bị hẹp niệu quản. Đây là một bệnh lý bẩm sinh phát triển từ giai đoạn bào thai với những bất thường trong quá trình phát triển hệ niệu như:
- Thiểu sản niệu quản gây nhu động bất thường qua khúc nối thận với niệu quản
- Bất đối xứng của thành cơ làm ức chế nhu động niệu quản đưa nước tiểu ra khỏi thận, gây thận ứ nước ở trẻ
- Niệu quản cắm vào bể thận cao quá làm thay đổi hình dạng của niệu quản và gây cản trở việc đưa nước tiểu từ thận xuống niệu quản
- Bất thường của mạch máu cực dưới thận làm tắc nghẽn niệu quản, cản trở việc đưa nước tiểu từ trên bể thận xuống
- Mạch máu chung quanh khúc nối thường kèm với hẹp khúc nối
- Vị trí tương đối của thận và niệu quản làm thận xoay và di động quá mức và gây tắc nghẽn từng hồi
Những bất thường này khiến quá trình đưa nước tiểu từ bể thận xuống bàng quang bị ứ trệ, diễn ra lâu ngày làm cho thận bị giãn và gây ra bệnh thận ứ nước ở trẻ.
Ngoài nguyên nhân bẩm sinh, còn có một số nguyên nhân khác gây ra bệnh này là:
- Sỏi thận: Sỏi quá lớn có thể chặn niệu quản và gây sưng thận
- Khối u hoặc u nang chèn ép vào niệu quản và gây tắc nghẽn
- Máu đông hoặc sẹo trong niệu quản, làm hẹp đường di chuyển của nước tiểu. Tuy nhiên, tình trạng này thường rất khó phát hiện
3. Dấu hiệu bệnh thận ứ nước ở trẻ nhỏ
Một số dấu hiệu thận ứ nước ở trẻ nhỏ:
- Đau khi khi đi tiểu khiến trẻ khó chịu và khóc do đau
- Đau lưng, đau bụng vùng ngang rốn
- Đi tiểu nhiều hơn mức bình thường, tiểu buốt, tiểu dắt, nước tiểu có màu đục
- Sốt, hay thấy buồn nôn và nôn
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên thận. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, các triệu chứng có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Chẩn đoán thận ứ nước ở trẻ
Thận ứ nước ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện thông qua chẩn đoán trước khi sinh bằng phương pháp siêu âm trong thai kỳ. Siêu âm thai có thể ghi nhận những bất thường về kích thước thận, tình trạng thận bị ứ nước.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu tầm soát thêm các yếu tố khác và theo dõi sức khỏe thai kỳ của người mẹ. Trẻ sơ sinh nếu bị sốt kèm tiểu ít, trước đó kết quả siêu âm thai phát hiện thận ứ nước, nước ối ít hoặc thiểu ối, thì nên cho trẻ siêu âm ngay để xem có bị thận ứ nước không.
Sau khi trẻ được sinh ra, các phương pháp sau sẽ được tiến hành để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh cũng như nguyên nhân nào gây bệnh thận ứ nước ở trẻ:
- Siêu âm thận tiết niệu: Xác định lại hệ thống thận niệu quản và tình trạng thận ứ nước.
- Chụp X-quang bàng quang và niệu đạo khi tiểu (VCUG): Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ vào bàng quang của trẻ rồi truyền chất lỏng qua ống vào bàng quang. Chất lỏng sẽ xuất hiện trên X-quang khi bàng quang được làm đầy và khi bé tiểu. Phương pháp này dùng để loại trừ hiện tượng trào ngược bàng quang – niệu quản. Khi không có hiện tượng bị trào ngược bàng quang niệu quản sẽ chỉ định chụp cắt lớp vi tính (CT – scan) hệ thận tiết niệu để đánh giá chức năng thận và xác định mức độ tắc nghẽn niệu quản cũng như mức độ thận ứ nước ở trẻ
- Chụp xạ hình chức năng thận (SPECT): bác sĩ tiêm một lượng nhỏ đồng vị phóng xạ vào máu của bé và so sánh chức năng của cả hai quả thận, cũng như xác định mức độ nghẽn. Kết quản này giúp cho bác sĩ quyết định phương pháp điều trị cho trẻ.
- Các xét nghiệm máu cơ bản khác: xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu để xem mức độ nhiễm trùng, đánh giá chức năng của thận.
5. Điều trị thận ứ nước ở trẻ
Sau khi chẩn đoán xác định tình trạng bệnh, tùy vào mức độ thận ứ nước sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau:
Với mức độ bị thận ứ nước ở trẻ nhẹ, đa phần sẽ tự khỏi mà không cần sự can thiệp của phẫu thuật. Tuy nhiên, trẻ cần được theo dõi để kịp thời phát hiện khi có nhiễm trùng tiểu xảy ra. Trẻ có thể được bác sĩ chỉ định uống thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu. Nếu trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, nên đưa trẻ đi kiểm tra nước tiểu để loại trừ trường hợp nhiễm trùng tiểu.
Với mức độ bị thận ứ nước ở trẻ nặng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuỳ theo nguyên nhân mà bác sĩ có các phương pháp mổ khác nhau để giải quyết.
Thận ứ nước ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Do đó, cha mẹ nên theo dõi các dấu hiệu bất thường của trẻ và đưa bé đi gặp bác sĩ khi cần